Đọc sách hay bất kể loại tài liệu nào cũng nên cần có 1 phương pháp đọc giúp bạn nắm bắt kiến thức nhanh nhớ lâu và trọng tâm là đạt được mục tiêu của việc đọc, điều này rất quan trọng nó không làm lãng phí thời gian và mức độ hiệu quả của bạn,

Cách đây vài năm khả năng đọc và ghi nhớ thông tin của tôi khá tệ mỗi tháng chỉ tiêu hóa được 1 cuốn sách chừng hơn 300 trang, nhưng khi tìm hiểu nhiều người có khả năng đọc và thẩm thấu được tới 10, 20 thậm chí như Bill Gates chia sẻ mỗi tháng ông đọc tới 50 cuốn, thì từ đó tôi bắt đầu đi tìm hiểu cách thức để có thể đọc nhanh hơn, đọc được nhiều hơn trong cùng đơn vị thời gian mà vẫn có thể ghi nhớ tốt thông tin.

Bài viết này chia sẻ phương pháp đọc sách hiệu quả của Mortimer J.Adler, phương pháp của ông được đánh giá và kiểm chứng về độ hiệu quả được trình bày trong cuốn sách “phương pháp đọc sách hiệu quả” được nhiều bạn đọc đón nhận và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Nội dung xuyên suốt trong cuốn sách How to read a book của Mortimer J.Adler và Charles Van Doren sẽ trình bày tới bạn 4 cấp độ đọc sách từ sơ cấp tới đọc phân tích tổng hợp nâng cao dần khả năng đọc của bạn theo thời gian.

Bạn đã sẵn sàng, hãy bắt đầu khám phá phương pháp đọc sách hiệu quả

Bìa sách: Phương pháp đọc sách hiểu quả
Bìa sách: Phương pháp đọc sách hiểu quả

 

Lời giới thiệu

Những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt nhất đều nói rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển tư duy của họ là việc đọc sách. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thời gian con người dành cho việc đọc sách cũng ít hơn trước và ngày càng có nhiều độc giả cảm thấy lúng túng không biết lựa chọn thế nào trước một khối lượng sách, báo khổng lồ được xuất bản hàng ngày, thì phương pháp đọc sách hiệu quả càng trở nên cần thiết.

Phương pháp đọc sách hiệu quả (nguyên tác tiếng Anh: How to read a book) của tác giả Mortimer J.Adler và Charles Van Doren chính là giải pháp giúp bạn lựa chọn và đọc sách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Được xuất bản lần đầu tiên năm 1940, ngay lập tức, Phương pháp đọc sách hiệu quả đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất và duy trì vị trí đó trong suốt hơn một năm. Tác phẩm đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng như Pháp, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha, Italia và bây giờ là Việt Nam.

Phương pháp đọc sách hiệu quả hướng dẫn bạn các cấp độ đọc khác nhau: từ phương pháp đọc sơ cấp, qua việc đọc lướt có hệ thống và đọc kỹ lưỡng, đến đẩy nhanh tốc độ đọc. Tác phẩm cũng giúp bạn thấy chính xác đâu là cách đọc sách đích thực, cùng những giá trị và những niềm vui mà nó mang lại.

Cuốn sách có tính tổng hợp và bao quát cao, nhưng cũng rất cụ thể, hữu ích với mọi độc giả, bất kể ở thời đại nào và cho thể loại văn bản nào. Vì thế, ngay cả khi bạn là một người luôn bận rộn và hay gặp vướng mắc với việc đọc sách, hãy thử tìm lời giải trong Phương pháp đọc sách hiệu quả, biết đâu bạn sẽ thay đổi quan điểm của mình.

Descartes từng nói: “Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt nhất của những thế kỷ đã qua”. Trong khi ở Việt Nam có rất ít những cuốn sách hướng dẫn kỹ năng, nhất là kỹ năng đọc, thì Phương pháp đọc sách hiệu quả chính là món quà tuyệt vời dành cho những người say mê đọc sách và muốn khám phá thế giới tri thức bao la.

Nội dung tóm tắt sách: Phương pháp đọc sách hiệu quả

Phần 1: Các phương diện đọc sách

1. Đọc sách và nghệ thuật đọc sách

Đài phát thanh và truyền hình cũng như báo chí ngày nay đã thực hiện rất tốt vai trò truyền đạt thông tin bằng hình ảnh tới người xem và giúp con người không mất nhiều thời gian để cập nhật thông tin. Nhưng liệu những phương tiện truyền thông hiện đại đó có giúp chúng ta biết thêm về thế giới xung quanh hay không?

Khán giả xem truyền hình, thính giả nghe đài, độc giả báo chí sẽ được tiếp cận những thông tin tổng hợp và được chọn lọc kỹ càng giúp việc ra quyết định nhanh chóng nhưng lại dập khuôn theo những gì mà đài báo nói.

Việc đọc sách sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi mọi người đọc sách có tính tích cực, hoạt động nhiều hơn và cố gắng nhiều hơn. Họ sẽ đọc tốt hơn nếu đòi hỏi nhiều ở bản thân và nội dung mà họ đang đọc.

Mục tiêu của việc đọc sách là lấy thông tin hay để hiểu biết. Nếu đọc một quyển sách mà không học hỏi thêm được kiến thức hoặc không vận dụng được vào thực tế thì bạn chỉ đang đọc sách để lấy thông tin.

Theo tác giả, có thể tạm định nghĩa Phương pháp đọc sách hiệu quả là quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ, mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều hơn.

Đọc là học, học qua giảng dạy và học thông qua khám phá là khác nhau.

Nghệ thuật đọc bao hàm tất cả các kỹ năng của nghệ thuật khám phá độc lập: sự sắc sảo trong quan sát, trí nhớ luôn hiện hữu, trí tưởng tượng phong phú, và trí tuệ được rèn luyện để phân tích và phản ánh.

2. Các cấp độ đọc

Mục tiêu đọc sách sẽ quyết định cách đọc quyển sách đó. Có 4 cấp độ đọc từ thấp đến cao, mang tính tích lũy.

  • Cấp độ đầu tiên là đọc sơ cấp (elementary reading)sẽ giúp chúng ta học được nội dung trong cuốn sách The art of reading. Cấp độ đọc này thường dạy cho học sinh tiểu học. Với cấp độ một, độc giả sẽ trả lời câu hỏi “Câu đó ý nói gì?” ở mức độ đơn giản nhất.
  • Cấp độ đọc thứ hai là đọc kiểm soát (inspectional reading)bằng việc nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian. Hay chính là việc cố gắng hiểu càng nhiều càng tốt về nội dung của cuốn sách trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp đọc này cũng có thể gọi là đọc lướt (skimming) có hệ thống nhằm xem xét bề mặt của cuốn sách và tiếp thu những gì mà bề nổi của cuốn sách dạy bạn.

Ở cấp độ thứ hai, câu hỏi hướng đến là “Cuốn sách nói lên điều gì?” hoặc “Kết cấu của cuốn sách là gì?”. Bạn không nên đọc ngay vào nội dung sách mà nên đọc qua mục lục để biết kết cấu của cuốn sách, cuốn sách thuộc loại gì: tiểu thuyết, lịch sử hay khoa học.

  • Cấp độ đọc thứ ba là đọc phân tích (analytical reading), đọc toàn bộ hay đọc hiệu quả. Cấp độ đọc này không giới hạn thời gian đọc.

Nhà triết học Francis Bacon (1561 – 1626): “Một số sách chỉ dùng để nếm. Một số khác để nuốt. Và rất ít cuốn sách dùng để nhai và tiêu hóa”.

Đọc phân tích chính là việc “nhai và tiêu hóa” cuốn sách đó.

  • Cấp độ bốn là đọc đồng chủ đề (syntopical reading)hay có thể gọi là đọc so sánh (comparative reading). Ở mức độ này, độc giả đọc nhiều cuốn sách cùng chủ đề để thu thập kiến thức về chủ đề đó.

3. Cấp độ đọc đầu tiên – đọc sơ cấp

Đa số các ý kiến cho rằng có ít nhất bốn giai đoạn trong quá trình học đọc bao gồm: sẵn sàng đọc, học đọc các loại sách báo đơn giản, phát triển từ vựng và nâng cao kỹ năng phát hiện nghĩa của từ mới, trau chuốt và nâng cao các kỹ năng. Cả bốn giai đoạn này thuộc ở cấp độ đọc đầu tiên – đọc sơ cấp.

4. Cấp độ đọc thứ hai – đọc kiểm soát

Là cấp độ đọc thật sự, là sự tích lũy và phát triển lên từ cấp độ đầu tiên. Bạn phải đọc tốt ở mức độ sơ cấp thì mới có thể đọc tốt ở cấp độ này.

Có hai loại đọc kiểm soát, vốn là hai khía cạnh của cùng một kỹ năng:

Đọc kiểm soát 1: Đọc lướt có hệ thống

Là giai đoạn chuẩn bị đọc gồm các bước xem trang đầu và phần giới thiệu, đọc mục lục, kiểm tra bảng chỉ dẫn, đọc lời giới thiệu của đơn vị xuất bản, xem những Chương có vẻ quan trọng cho lập luận của cuốn sách, đọc ngẫu nhiên một hoặc hai đoạn, thậm chí vài trang liên tục.

Đọc kiểm soát 2: Đọc bề mặt:

Quy tắc đọc quan trọng và hữu ích là lần đầu đọc một cuốn sách khó, hãy đọc hết cuốn sách mà không cần dừng lại suy nghĩ ở những điểm mà bạn chưa hiểu.

Hãy chụm ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa lại với nhau, rồi lướt con trỏ này trên một dòng nhanh hơn một chút so với tốc độ bình thường của mắt để tập cho mắt theo kịp tốc độ của bàn tay sẽ tăng tốc độ đọc của bạn.

Công thức hiệu quả là: Mọi cuốn sách nên đọc không chậm hơn mức mà nó đáng đọc và không nhanh hơn mức mà bạn có thể đọc để hiểu và thấy hài lòng. Không nên cố gắng hiểu tất cả các từ hay các trang của một cuốn sách khó ở ngay lần đọc đầu tiên mà hãy để chuẩn bị cho lần đọc thứ hai.

5. Cách trở thành một độc giả yêu cầu cao

Những chuyên gia dùng sách để thư giãn không cần phải đợi đêm xuống mới ngủ được. Bạn sẽ rất nhanh chóng buồn ngủ khi đọc sách ngay cả vào ban ngày nhưng người ta vẫn có thể thức trong khi đọc trên một chiếc giường êm ái hoặc vẫn có thể căng mắt đọc đến khuya trong ánh sáng lờ mờ. Sự khác nhau ở đây là mục đích đọc của bạn.

Bản chất của việc đọc tích cực: hãy trả lời những câu hỏi:

  • Tổng quan cuốn sách nói về điều gì?
  • Những gì được đề cập chi tiết và đề cập như thế nào?
  • Cuốn sách có đúng không, đúng một phần hay toàn bộ?
  • Ý nghĩa của cuốn sách?

Đánh dấu bằng bút khi đọc một cuốn sách là điều không thể thiếu khi đọc sách. Nó sẽ giúp bạn tỉnh táo, kích thích bạn suy nghĩ và thể hiện ra bằng chữ viết. Hãy coi việc đọc sách là một cuộc đối thoại với tác giả.

Trong lần đọc kiểm soát, bạn cần phải trả lời những câu hỏi:

  1. Đó là loại sách gì?
  2. Toàn bộ cuốn sách nói về vấn đề gì?
  3. Trật tự cấu trúc của cuốn sách là gì?

Ghi chú cũng là một kỹ năng quan trọng khi đọc sách.

Hình thành thói quen đọc sách: hãy tự tập cho mình thói quen đọc sách bằng cách thực hành và chuẩn bị đọc thật tốt. Bước đầu bạn sẽ cảm thấy khó khăn, chậm chạp và dễ chán.

Phần 2: Cấp độ đọc thứ ba – đọc phân tích

1. Phân loại một cuốn sách 

Phân loại sách (quy tắc 1) là kỹ năng đầu tiên của đọc phân tích: Bạn phải biết loại sách mình đang đọc là gì, tốt nhất là trước khi đọc cuốn sách đó.

Nhận biết nội dung từ tên cuốn sách, phân loại theo sách lý thuyết hay sách thực hành (sách lý thuyết dạy bạn về bản chất lý lẽ, sách thực hành dạy bạn cách làm điều bạn muốn hoặc nên làm).

Các loại sách lý thuyết: Cách phân loại truyền thống là chia theo từng lĩnh vực như lịch sử, khoa học và triết học. Khoa học liên quan đến thí nghiệm hoặc phụ thuộc vào nghiên cứu và quan sát tỉ mỉ. Triết học là suy ngẫm.

2. Chụp X-Quang một cuốn sách

Đọc sách với con mắt của tia X để nắm bắt được cấu trúc của một cuốn sách. Tính thống nhất của một cuốn tiểu thuyết khác tính thống nhất của một chuyên luận chính trị. Một cuốn sách đáng đọc đều có tính thống nhất giữa nội dung với hệ thống các phần.

Quy tắc thứ 2 của cấp độ đọc phân tích (quy tắc 2): Trình bày sự thống nhất của toàn bộ nội dung cuốn sách trong một câu đơn hoặc một đoạn văn ngắn.

Quy tắc 3: Trình bày những phần chính của cuốn sách, và cách sắp xếp các phần theo thứ tự thống nhất thành một chỉnh thể.

Bạn cần phải tìm được ý đồ của tác giả thể hiện trong cấu trúc của một cuốn sách.

Nội dung và bố cục phải nếu được tính chỉnh thể của một cuốn sách.

Làm chủ nhiều phần khác nhau là nghệ thuật phác thảo dàn ý của một cuốn sách.

Theo quy tắc 2 và 3 thì:

– Theo quy tắc 2, bạn phải nói: Toàn bộ cuốn sách nói về …

– Theo quy tắc 3, bạn phải trình bày

  • Tác giả thể hiện nội dung sách qua mấy phần chính, nội dung của mỗi phần là gì.
  • Phần thứ nhất bao gồm mấy nội dung, các nội dung này nói về điều gì.
  • Trong các nội dung nhỏ của phần thứ nhất, các nội dung nhỏ hơn nói về điều gì.

Quy tắc 2 và 3 có thể được dùng để phân biệt sách hay và sách dở. Dù bạn áp dụng nhiều phương pháp mà không phân biệt được các phần và mối liên hệ giữa chúng thì rất có thể đó là một cuốn sách tồi.

Quy tắc 4: Phát hiện ra những vấn đề của tác giả.

3. Thống nhất các thuật ngữ với tác giả

Thuật ngữ là yếu tố cơ bản của những kiến thức có thể truyền đạt được.

Một thuật ngữ là một từ rõ ràng về ngữ nghĩa. Thuật ngữ là một trong những thành tựu hàng đầu của nghệ thuật viết và đọc, chúng ta có thể coi nó như nghệ thuật sử dụng từ ngữ một cách điêu luyện nhằm mục đích truyền đạt kiến thức.

Quy tắc 5 của đọc phân tích: Tìm các từ quan trọng và qua đó đi đến thống nhất thuật ngữ với tác giả.

Để thống nhất các thuật ngữ với tác giả, độc giả phải tìm ra các từ khóa, các từ quan trọng trong cuốn sách. Bạn cũng nên tìm những từ ngữ quan trọng nhưng lại khó hiểu như các từ mà tác giả nhấn mạnh một cách dứt khoát, dấu trích dẫn hoặc chữ in nghiêng, hoặc hướng sự chú ý bằng cách đề cập các nghĩa khác nhau của từ hay là định nghĩa vật được gọi tên bằng từ đó hay là từ mà tác giả cuốn sách đó có sự bất đồng với tác giả khác về cách dùng nó.

Sau khi xác định được những từ quan trọng bạn cần thực hiện theo quy tắc 5 của quá trình đọc phân tích. Tác giả có thể sử dụng từ theo một nghĩa duy nhất hay đa nghĩa khác nhau.

4. Xác định thông điệp của tác giả

Trong một cuốn sách, mỗi nhận định là một lời tuyên bố biểu thị ý kiến của tác giả về một vấn đề nhất định. Tác giả khẳng định điều mình cho là đúng hoặc phủ nhận điều mà mình cho là sai.

Quy tắc 6: Đánh dấu những câu quan trọng nhất của một cuốn sách và tìm ra các nhận định ẩn chứa trong đó.

Mỗi cuốn sách chỉ có một vài câu then chốt nhưng bạn vẫn phải hiểu hết các câu còn lại. Một số tác giả thường gạch chân các câu quan trọng hoặc nói rõ hay sử dụng dấu hiệu nào đó. Khi bạn tìm ra vị trí của các câu chủ chốt theo quy tắc 6, bạn cần phải tìm ra nhận định ẩn chứa trong mỗi cấu chủ chốt đó.

Hãy nói theo cách của bạn là cách tốt nhất để kiểm tra xem bạn đã hiểu về một hay nhiều nhận định trong câu. Nếu đơn thuần dùng chính câu của tác giả hoặc chỉnh sửa lại đôi chút để diễn đạt lại ý của tác giả thì bạn chưa hiểu đúng dụng ý của tác giả.

Quy tắc 7: Tìm ra các lập luận cơ bản trong một cuốn sách dựa trên mối liên hệ giữa các câu.

Với quy tắc 7, tìm ra lập luận có thể được diễn đạt bằng một câu phức, hoặc bằng một số câu trong đoạn văn hoặc chính là một đoạn. Nếu có thể tìm các đoạn trình bày những lập luận quan trọng, nếu lập luận không được diễn đạt của thể hãy thiết lập lại bằng cách tổng hợp dữ liệu từ nhiều câu hay nhiều đoạn để thu thập đủ chuỗi câu nêu lên nhận định cấu thành lập luận.

Mỗi lập luận đều phải có một xuất phát điểm. Cơ bản có hai cách đưa ra lập luận: bằng các giả định hoặc bằng những nhận định hiển nhiên.

Bước cuối cùng trong quá trình làm sáng tỏ nội dung của một cuốn sách là quy tắc 8: Tìm ra hướng giải quyết của tác giả.

Sau bước này bạn có thể trả lời được câu hỏi là điều gì đang được đề cập chi tiết và bằng cách nào thông qua quy tắc từ 5 đến 8.

5. Đưa ra những lời phê bình hợp lý

Đọc sách giống như một kiểu hội thoại. Một cuộc hội thoại thành công là bạn học hỏi được điều gì đó. Việc đọc sách không dừng lại sau khi độc giả đã hiểu nội dung cuốn sách mà cần phải được hoàn thành bằng việc phê bình, đánh giá sách.

Quy tắc 9: Bạn cần nói chắc chắn rằng “tôi hiểu” trước khi nói “tôi tán thành” hoặc “tôi phản đối” hay “tôi tạm thời chưa đưa ra nhận xét”.

Quy tắc 10: Khi bạn phản đối, hãy phản đối một cách hợp lý.

Bất đồng khi đọc một cuốn sách với quan điểm của tác giả là những vấn đề có thể giải quyết được và không nên phản đối một cách vô vọng. Bất đồng chỉ là sự chống đối vô nghĩa trừ phi người ta xem xét nó với hy vọng tìm ra giải pháp cho một vấn đề cụ thể. Không loại trừ trường hợp sự phản đối hay bất đồng giữa độc giả và tác giả đến từ sự chênh lệch về kiến thức.

Quy tắc 11: Tôn trọng sự khác nhau giữa kiến thức và quan điểm cá nhân bằng cách đưa ra những lý do giải thích cho đánh giá phê bình của bạn.

Độc giả phải hiểu cặn kẽ về tác phẩm trước khi đưa ra đánh giá phê bình, độc giả không nên đấu khẩu hay gây sự và nên coi bất đồng quan điểm là những vấn đề có thể giải quyết được đồng thời giải thích lý do và hướng tìm ra giải pháp.

6. Đồng ý hay phản đối với tác giả

Điều đầu tiên độc giả có thể biểu đạt là mình có hiểu tác phẩm hay không. Việc không hiểu có thể do sách hoặc do chính bản thân người đọc. Nếu bạn đọc một cuốn sách hay, bạn hiểu và đồng ý hoàn toàn với ý kiến của tác giả thì bạn đã hoàn thành việc đọc.

Khi độc giả nói: “Tôi hiểu nhưng không đồng ý” thì có thể do tác giả không có đủ thông tin, không đưa thông tin chính xác, trình bày không logic lập luận không thuyết phục và quá trình phân tích chưa hoàn chỉnh.

Giai đoạn thứ ba của quá trình đọc phân tích:

  1. Những quy ước chung về các quy tắc xã giao
  2. Chỉ bắt đầu phê bình khi bạn đã hoàn thành quá trình lập dàn ý và hiểu được nội dung của cuốn sách.
  3. Không nên thể hiện sự bất đồng theo kiểu lý sự hoặc cãi vã.
  4. Hãy thể hiện rằng bạn nhận thức được sự khác nhau giữa kiến thức thật sự và ý kiến cá nhân bằng cách đưa ra những lập luận tốt cho mọi đánh giá phê bình của bạn.
  5. Các tiêu chí đặc biệt về các điểm phê phán
  6. Chứng minh tác giả không cung cấp đủ thông tin.
  7. Chứng minh tác giả cung cấp thông tin sai
  8. Chứng minh tác giả thiếu logic.
  9. Chỉ ra tác giả phân tích và giải thích chưa hoàn chỉnh.

7. Những phương tiện trợ giúp việc đọc

Phương tiện trợ giúp việc đọc không nằm trong cuốn sách thì gọi là thành tố bên ngoài. Độc giả sẽ cần phải sử dụng đến kinh nghiệm bản thân để cảm thụ, phê bình hay lập đề cương cho một cuốn sách. Đọc một cuốn sách mà luôn có từ điển bên cạnh không phải là tốt. Hãy cố gắng hết mình trước khi cần đến sự trợ giúp bên ngoài.

Phương tiện hỗ trợ quá trình đọc gồm: các kinh nghiệm liên quan, các cuốn sách khác, các lời bình và tóm tắt, sách tham khảo.

Cách sử dụng từ điển áp dụng các quy tắc: Từ là vật chất; Từ là thành phần cấu tạo nên câu; Từ là các dấu hiệu; Từ mang tính thông lệ.

Sử dụng bách khoa toàn thư cần lưu ý các điểm: Dữ kiện là nhận định; dữ kiện là những nhận định đúng; dữ kiện phản ánh hiện thực; dữ kiện, về một khía cạnh nào đó mang tính thông lệ.

Phần 3: Tiếp cận những thể loại sách khác nhau

1. Đọc sách thực hành

Sách thực hành là cuốn sách không thể giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nó nói đến. Sách thực hành có thể chia làm hai loại chính: loại cơ bản trình bày các quy tắc, loại chủ yếu nói về nguyên tắc hay yếu tố đặc trưng tạo ra các quy tắc.

Khi đọc một cuốn sách thực hành bạn phải trả lời được câu hỏi mục tiêu của tác giả khi viết sách là gì và câu hỏi thứ hai là những gì được đề cập chi tiết trong cuốn sách. Câu hỏi thứ ba là cuốn sách đó có đúng không. Câu hỏi thứ tư ý nghĩa của cuốn sách là gì.

2. Đọc tác phẩm văn học giả tưởng

Khi đọc một tác phẩm văn học giả tưởng đừng cố chống lại những gì mà tác phẩm đó tác động lên bạn, đừng tìm kiếm các thuật ngữ, nhận định hay lý luận, đừng lấy các tiêu chuẩn về tính chân thực và sự đồng nhất áp dụng khi trao đổi kiến thức để phê phán các tác phẩm giả tưởng.

3. Những gợi ý khi đọc truyện, kịch và thơ

Khi đọc tiểu thuyết, truyện, kịch hoặc thơ bạn không cần đặt ra câu hỏi ý nghĩa của cuốn sách là gì.

Đọc truyện cần đọc thật nhanh với sự chú tâm cao độ. Với trường ca, khi đọc cần phải chú tâm,  hòa mình vào nhân vật, phải tưởng tượng.

Đọc một vở kịch bạn nên đọc như một câu chuyện.

Thơ được định nghĩa một cách đơn giản là những gì thi sĩ viết ra. Khi bạn tìm hiểu một bài thơ hay, đọc đi đọc lại, trăn trở suy nghĩ về nó bạn sẽ luôn tìm thấy ở đó những điều mới mẻ, những niềm vui hạnh phúc và cả những ý tưởng mới về bản thân cũng như thế giới. Quy tắc đọc thơ trữ tình là đọc liền một mạch dù bạn có hiểu hay không. Đọc thơ thì không nên đọc thầm mà hãy đọc to lên.

4. Đọc tác phẩm lịch sử

Lịch sử là sự việc có thật đã xảy ra và lịch sử trên danh nghĩa là những tài liệu ghi chép lại những sự việc đó là khác nhau. Xác định một điều gì đó thật sự xảy ra trong lịch sử hay không là việc rất khó.

Đọc sách lịch sử giúp chúng ta biết những chuyện đã xảy ra tại một thời điểm cụ thể tại một nơi cụ thể trong quá khứ và còn biết được cách con người hành xử trong mọi thời đại và ở mọi nơi, đặc biệt là hiện tại. Khi đọc sách lịch sử cần phải trả lời được ý nghĩa của tác phẩm lịch sử đó là gì.

5. Đọc sách khoa học và toán học

Các bạn nên đọc ít nhất là một vài cuốn sách khoa học cổ. Với mỗi quyển sách, cố gắng nêu rõ rang các vấn đề mà tác giả đang tìm cách giải quyết. Khi đọc sách khoa học, độc giả thường gặp khó khăn là các luận cứ và các phép tính.

Toán học là ngôn ngữ viết nên khi đọc sách toán học cần phải hiểu được các ký hiệu và mối quan hệ giữa các ký hiệu đó. Khi đọc sách toán học phải đọc từ đầu đến cuối và cần một chiếc bút viết ra những điều cần ghi nhớ.

6. Đọc sách triết học

Triết học là để trả lời các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực cuộc sống. Những câu hỏi liên quan đến sự tồn tại và thay đổi thuộc về phân nhánh triết học lý thuyết hay suy luận. Câu hỏi liên quan đến cái tốt và cái xấu, đúng sai thuộc phân nhánh triết học thực tiễn hay quy phạm.

Khi đọc một tác phẩm triết học, những gì chúng ta quan tâm chính là các câu hỏi triết học chứ không phải các câu hỏi khoa học hay lịch sử. Và để trả lời các câu hỏi này thì độc giả buộc phải suy nghĩ chứ không có cách nào khác.

7. Đọc sách khoa học xã hội

Thuật ngữ khoa học xã hội bao trùm gần như tất cả những gì chúng ta đọc ngày nay. Tác phẩm khoa học xã hội không giới hạn ở người thật việc thật mà còn là nội dung hư cấu tạo ra một mô hình xã hội nhân tạo cho phép tìm ra những hậu quả về mặt xã hội như đổi mới công nghệ hay nhiều vấn đề khác.

Những tác phẩm thuộc thể loại này đa phần là dễ đọc.

Phần 4: Mục đích cao nhất của việc đọc sách

1. Cấp độ đọc thứ tư – đọc đồng chủ đề

Khi tìm hiểu về một vấn đề, không chỉ có một cuốn sách nói về vấn đề đó. Đọc đồng chủ đề là việc bạn đọc nhiều cuốn sách bàn về một vấn đề cụ thể. Và đương nhiên bạn cần phải tìm hiểu những cuốn sách nào đồng chủ đề nên đọc.

Xét trên một số khía cạnh chung, cả đọc kiểm soát và đọc phân tích đều có thể coi là sự đoán trước hoặc chuẩn bị cho việc đọc đồng chủ đề.

Năm bước đọc đồng chủ đề:

  • Bước 1: Tìm những phần có liên quan
  • Bước 2: Đưa tác giả đến với thuật ngữ
  • Bước 3: Giải quyết mọi thắc mắc
  • Bước 4: Xác định vấn đề
  • Bước 5: Cuộc phân tích thảo luận

Các bước cần làm khi đọc đồng chủ đề:

  • Chuẩn bị cho việc đọc đồng chủ đề
    • Tạo thư mục tạm thời những sách cần đọc
    • Khảo sát tất cả sách trong thư mục đề tìm quyển viết về chủ đề cần nghiên cứu
  • Đọc các cuốn sách trong thư mục đã tạo về đồng chủ đề
    • Khảo sát các cuốn sách liên quan đến chủ đề để tìm ra các phần bàn luận trực tiếp nhất
    • Xây dựng hệ thống thuật ngữ trung tính về chủ đề đó
    • Tạo các nhận định trung tính cho tất cả các tác giả bằng cách đặt ra các câu hỏi
    • Xác định vấn đề chính và phụ bằng cách trả lời vấn đề theo mỗi tác giả
    • Sắp xếp các câu hỏi và thảo luận theo cách làm sáng tỏ chủ đề nhất

2. Đọc sách và sự phát triển trí tuệ

Các quy tắc đọc sách, phương pháp giúp bạn trở thành một độc giả khôn ngoan. Và để trở thành một độc giả khôn ngoan bạn không thể đọc sách một cách tùy tiện. Bạn không thể trở thành người đọc giỏi khi chỉ đọc những cuốn sách nằm trong khả năng mà phải đọc những cuốn sách vượt khả năng của bạn.

Một cuốn sách hay sẽ có phần thưởng cho bạn khi bạn nỗ lực đọc nó khi mà bạn có thể nâng cao kỹ năng đọc, học được rất nhiều điều về thế giới và bản thân.

Giới thiệu về tác giả Mortimer Adler

Mortimer Jerome Adler (28/12/1902 – 28/6/2001) là một nhà triết học người Mỹ, nhà giáo dục và tác giả nổi tiếng. Là một nhà triết học, ông làm việc trong Aristotelian and Thomistic traditions. Ông sống lâu năm ở thành phố New York, Chicago, San Francisco và San Mateo, California. Ông làm việc cho Đại học Columbia, Đại học Chicago, Encyclopædia Britannica, và Viện nghiên cứu triết học của Adler.

Kết luận

Cuốn sách Phương pháp đọc sách hiệu quả ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 1940 đã được đánh giá là một cuốn sách hướng dẫn đọc hiểu lý thú và hiệu quả nhất dành cho độc giả phổ thông. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một tác phẩm kinh điển về cách đọc sách thông minh.

Phương pháp đọc sách hiệu quả giúp bạn khám phá và lĩnh hội các cấp độ đọc khác nhau, từ sơ cấp, đọc lướt có hệ thống đến đọc kiểm soát và đọc siêu tốc. Cuốn sách là người bạn không thể thiếu của mỗi người trên hành trình đối thoại để học hỏi, khám phá, tu thân và trưởng thành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *